9 hướng dẫn trực quan biểu đồ báo cáo cho Fresher phân tích dữ liệu

Bởi Quỳnh Trang
0 Nhận xét

Một trong những công cụ giúp người dụng tận dụng được sức mạnh của trực quan hóa dữ liệu chính là Power BI. Tuy nhiên, để tạo ra những biểu đồ thực sự hiệu quả, cần lưu ý đến những yếu tố thiết kế cơ bản. Bài viết này sẽ chia sẻ 9 hướng dẫn trực quan biểu đồ báo cáo cho Fresher phân tích dữ liệu, vận dụng yếu tố thiết kế giúp bạn tạo những biểu đồ thực sự ý nghĩa và thành công truyền đạt câu chuyện đằng sau dữ liệu đến người xem.

Tại sao trực quan hóa dữ liệu lại quan trọng?

Trực quan hóa dữ liệu đơn giản là việc đưa thông tin vào hình ảnh (như biểu đồ, đồ thị,… ) để giúp người xem dễ hiểu hơn. Trực quan hóa hiệu quả sẽ giúp người dùng:

  • Đưa lượng thông tin lớn vào trong một không gian nhỏ
  • Hiểu và phân tích nhanh chóng bộ dữ liệu hiện có
  • Làm nổi bật và thuyết phục người xem về các phát hiện, kết luận lẫn quá trình và tầm nhìn của người tạo

Sau đây, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu về các yếu tố giúp đạt được sự hiệu quả trong quá trình trực quan dữ liệu thông qua công cụ Power BI.

Sự cân bằng

Thiết kế trực quan hóa dữ liệu được cân bằng khi các yếu tố hình ảnh chính, như màu sắc và hình dạng, được phân bổ đồng đều. Điều này không có nghĩa là bạn cần sự đối xứng hoàn toàn, nhưng việc trực quan không nên làm một bên mất đi sự chú ý so với bên kia. Nếu đảm bảo được sự cân bằng, các đường được sử dụng để tạo biểu đồ có độ dài tương tự nhau ở cả hai bên hoặc khoảng cách giữa các đối tượng bằng nhau.

Cho ví dụ, biểu đồ dạng Cluster Column Chart thể hiện sự thay đổi giá trị doanh thu thuần và giá vốn hàng bán dưới đây là cân bằng. Bởi mặc dù các cột có chiều cao khác nhau và biểu đồ không đối xứng nhưng do màu sắc, chiều rộng và khoảng cách của các cột nhất quán nên giữ cho việc trực quan hóa dữ liệu này được cân bằng. Các màu sắc đủ độ tương phản với nhau để bạn có thể phân biệt và chú ý đến cả ý nghĩa mà màu sắc biểu đạt.

Điểm nhấn

Trực quan hóa dữ liệu phải có tiêu điểm để người xem biết nơi cần tập trung. Nói cách khác, hình ảnh trực quan của bạn phải nhấn mạnh dữ liệu quan trọng nhất để người dùng nhận ra dữ liệu đó trước tiên. Sử dụng màu sắc và giá trị là một cách hiệu quả để thực hiện điều này.

Dưới đây là ví dụ về một biểu đồ dạng Highlight Table. Biểu đồ này sử dụng màu sắc và cường độ giá trị để nhấn mạnh các trạng thái có lượng hàng bán ra cao nhất, giúp người xem dễ dàng xác định trực quan từ mức lượng hàng bán ra thấp đến lượng hàng bán ra cao theo thời gian và các trung tâm phân phối. Từ đó nhanh chóng nắm bắt được các ý chính đang trình bày mà không bị rối mắt bởi quá nhiều số liệu.

Sự chuyển động

Chuyển động ở đây đề cập đến đường đi mà thông thường mắt người xem di chuyển khi họ nhìn vào hình ảnh trực quan hóa dữ liệu hoặc chuyển động theo nghĩa đen được tạo bởi hoạt ảnh. Dựa vào việc bắt chước cách mọi người thường đọc dữ liệu, chúng ta có thể sử dụng đường nét và màu sắc để thu hút sự chú ý của người xem trên trang.

Chúng ta có thể xem xét đường trung bình trong biểu đồ dạng Combo Chart bên dưới. Đường này sẽ thu hút sự chú ý của người xem từ trái sang phải. Như vậy, dù không chuyển động nhưng đường trung bình này vẫn áp dụng nguyên tắc chuyển động để hướng dẫn người xem hiểu được lượng hàng bán ra trung bình thay đổi theo thời gian như thế nào.

Mẫu

Chúng ta có thể sử dụng các hình dạng và màu sắc tương tự để tạo các mẫu trong trực quan hóa dữ liệu của mình. Cụ thể hơn, bạn có thể sử dụng các mẫu để làm nổi bật những điểm tương đồng giữa các tập dữ liệu khác nhau hoặc chia nhỏ một mẫu bằng hình dạng, màu sắc hoặc đường nét độc đáo để tạo thêm điểm nhấn.

Với biểu đồ dạng Stacked Column Chart dưới đây, các loại màu khác nhau trong mỗi cột là mẫu nhất quán giúp so sánh dòng tiền thuần theo từng hoạt động của báo cáo lưu chuyển tiền tệ dễ dàng hơn.

Sự lặp lại

Việc lặp lại các loại biểu đồ, hình dạng hoặc màu sắc sẽ làm tăng thêm hiệu quả cho việc trực quan hóa. Hãy nghĩ về biểu đồ dòng tiền thuần các hoạt động trong ví dụ trước: sự lặp lại của màu sắc giúp người xem hiểu rằng có các bộ dữ liệu riêng biệt. Sự lặp lại này cũng dễ dàng được nhận thấy trong các ví dụ từ đầu đến giờ và là yếu tố khiến biểu đồ trở nên nhất quán.

Tỷ lệ

Việc sử dụng tỷ lệ có chủ đích giúp chứng minh tầm quan trọng của một số dữ liệu nhất định. Chúng ta có thể dùng nhiều màu sắc và kích cỡ khác nhau để thu hút sự chú ý đến một hình ảnh cụ thể hơn những hình ảnh khác. Như khi bạn tạo một biểu đồ trong trang tổng quan lớn hơn các biểu đồ khác thì bạn đang thu hút sự chú ý đến biểu đồ đó.

Ví dụ trong dashboard về quản lý mua hàng dưới đây, việc sử dụng biểu đồ dạng Card kết hợp Area Chart với kích cỡ của chữ và hình trong biểu đồ lớn hơn so với các biểu đồ khác giúp làm nổi bật những thông tin quan trọng nhất về tổng lượng hàng nhập xuất cũng như xu hướng nhập xuất hàng theo thời gian đến ngay cho người xem.

6 nguyên tắc thiết kế đầu tiên này là những điều cân nhắc chính có thể thực hiện khi tạo trực quan hóa dữ liệu. Ba nguyên tắc tiếp theo này là những bước kiểm tra hữu ích sau khi quá trình trực quan hóa dữ liệu của bạn hoàn tất.

Nhịp điệu

Điều này đề cập đến việc tạo ra cảm giác chuyển động hoặc dòng chảy trong trực quan hóa. Nhịp điệu gắn chặt với nguyên tắc về sự chuyển động nêu trên. Thiết kế hoàn thiện của bạn cần có sự sắp xếp các yếu tố để tạo ra một dòng chảy mạch lạc và thể hiện được quá trình tư duy logic rõ ràng.

Tính đa dạng

Hình ảnh trực quan của bạn phải đa dạng về loại biểu đồ, đường kẻ, hình dạng, màu sắc và giá trị bạn sử dụng. Tính đa dạng kết hợp với nguyên tắc về sự cân bằng giúp sản phẩm trực quan vừa thu hút mà vẫn thống nhất, khiến người xem cảm thấy thú vị và không bị rối rắm.

Sự gắn kết

Nguyên tắc cuối cùng là sự gắn kết. Điều này có nghĩa là các hình ảnh trực quan cuối cùng của bạn phải có gắn kết và liên quan với nhau. Nếu hình ảnh rời rạc hoặc không được tổ chức tốt sẽ gây nhầm lẫn và choáng ngợp.

Kết luận

Hãy ghi nhớ 9 hướng dẫn trực quan biểu đồ báo cáo cho Fresher phân tích dữ liệu, bao gồm sáu nguyên tắc khi thực hiện tạo biểu đồ: sự cân bằng, điểm nhấn, sự chuyển động, mẫu, sự lặp lại, tỷ lệ và ba nguyên tắc kiểm tra sau khi đã hoàn tất trực quan dữ liệu: nhịp điệu, tính đa dạng, sự gắn kết.

Bài viết trên đã giúp bạn có nhiều góc nhìn hơn để thiết kế trực quan hóa dữ liệu thông qua công cụ Power BI. Nếu bạn thấy bài viết hay và hữu ích, bạn có thể tham gia các kênh sau của SmartData để nhận được nhiều thông tin hơn nữa:

Bài viết liên quan

Để lại nhận xét

Copyright @2022 – Bản quyền thuộc Học viện dữ lệu Smart Data